Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
DẠY HỌC CŨNG PHẢI HỌC - KIM HOÀNG THẢO

DẠY HỌC CŨNG PHẢI HỌC SUỐT ĐỜI

Thấm thoát đã mười năm kể từ ngày tôi tốt nghiệp và bắt đầu đứng trên bục giảng. Hai tiếng “thầy ơi” cũng mang đến cho tôi những kỉ niệm buồn có vui có. Vì đặc thù môn học - tiếng Anh - nên tôi tiếp xúc với rất nhiều đối tượng học viên từ học sinh lớp một, hai…cho  đến cả những người đã đi làm với nhiều lứa tuổi khác nhau trong đó tôi thích làm việc với trẻ em nhất vì bản thân cũng từng làm việc như một gia sư khi còn là sinh viên và đã tích lũy được một chút kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em. Một dịp hè nọ tôi nhận lời dạy thay, giúp người bạn có vấn đề về sức khỏe tại một trung tâm tiếng Anh nhỏ tại địa phương. Lớp tôi phụ trách phần lớn các em đang ở lứa tuổi học lớp hai lớp ba có xuất thân gia đình khác nhau con em của cán bộ công chức viên chức có, con của công nhân và của những người lao động tại địa phương và các vùng lân cận.

Khoảng hơn một tháng trôi qua mọi việc tiến triển rất tốt nhìn thấy các em ê a câu chữ  I, You trong giờ giải lao mà bản thân cảm thấy có đôi chút tự hào, vì mình đã phần nào xóa được nỗi sợ tiếng Anh của các bé. Thỉnh thoảng lại có một em chạy đến thầy ơi! em quên rồi có phải từ này đọc là:  pham-mờ-lì (family: gia đình) phải không thầy? 

Hai em khác thì đang tranh luận: Bạn đọc sai rồi, chữ này phải đọc là má-đờ (mother:mẹ) mới đúng chứ không phải pha-đờ (father: bố), không tin hả! để tui hỏi thầy…

Tôi chưa kịp giải đáp thắc mắc của bọn trẻ bên này thì… thầy ơi thầy ơi bạn Vi lấy…lấy thước của em,… thầy ơi bạn Thọ giật tóc của em ? Tại bạn ấy không cho em chơi nhảy giây - một em phân bua. Mọi thứ cứ rối tung cả lên không biết ai đúng ai sai. Tôi chỉ biết cười trừ rồi tự nhủ đấy giờ ra chơi của bọn trẻ là thế đấy - luôn ồn ào như mỗi khi mà.

Bỗng reng …reng

Tiếng chuông reo làm mọi âm thanh xung quanh trở nên tĩnh lặng. Bọn trẻ với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi hồ hởi quay về chỗ ngồi của mình. Như thường lệ tôi bảo thầy mời cả lớp lắng nghe và lặp lại một lần nữa….pham -mờ- lỳ, pha- đờ, ma- đờ...Các bé tranh nhau đọc một vài em cố tình đọc to hơn so với các bạn khác như để chứng tỏ mình đã hiểu bài.

 Đến phần đọc cá nhân các em tranh nhau giơ tay, nhiều em đứng bật cả dậy để gây sự chú ý và hi vọng mình được gọi tên trước. Tuy nhiên, tôi chú ý có một cu cậu có vẻ chỉ đọc lí nhí lúc đọc đồng thanh và không giơ tay trong phần luyện phát âm cá nhân. Đây là một điều tương đối lạ vì đa phần các em học sinh của tôi bình thường vốn rất “rộn ràng” hồn nhiên thường tranh nhau để thể hiện bản thân mình.

Sau phần trình bày của một vài em tôi cất giọng cảm ơn phần trình bày của bạn Vy Tường (Tường Vy) tiếp theo thầy mời bạn Hận Hoài (Hoài Hận). Tôi thường đọc ngược tên của học sinh  để trêu đùa và như một cách để nhắc các em về cách viết tên của người bản xứ (thường được viết ngược lại) ở những bài trước. Như thường lệ em thể hiện rất tốt tuy nhiên giọng em trở nên ngày càng nhỏ hơn và dừng lại khi tôi dùng thước chỉ đến từ pha- đờ (father: bố).

Now please repeat (xin vui lòng lặp lại) pha- đờ - tôi đọc như nhắc em  sau một vài lần thị phạm và yêu cầu em lặp lại nhưng em vẫn không phản ứng gì.

Tại sao em không lặp lại?

Tôi hỏi với giọng pha lẫn một chút khó chịu đồng thời nhìn vào ánh mắt em. Hai bàn tay em nắm chặt lại duỗi thẳng ép sát thân người môi run run mím lại và đột nhiên em cuối mặt xuống như để lãng tránh một điều gì đó, trong khoảnh khắc ấy tôi vô tình thấy một giọt nước mắt rơi xuống trang vở đang nằm trước mặt em, xung quanh bắt đầu có những tiếng xì xào của bọn trẻ “…Tại sao bạn không đọc đi?”,  “Tại sao bạn không lặp lại?”… những đứa trẻ hồn nhiên thay nhau ném ánh mắt về phía đứa trẻ tội nghiệp ấy “Bạn không đọc thì bao giờ đến lợt tui?!”…  Bỗng có một học sinh ngồi bên cạnh, giật nhẹ tay áo tôi: “Thầy ơi! cha bạn ấy bỏ bạn ấy rồi!....”

Một khoảng lặng sau đó, tôi chưa bao giờ ở trong hoàn cảnh này. Tôi cảm giác đầu óc trở nên trống rỗng, như thể như mình vừa gây ra một tội lỗi ghê gớm … khi chợt hiểu ra vấn đề

(sau này có dịp tìm hiểu tôi mới biết được em được sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn bố bỏ đi khi em còn đỏ hỏn, mẹ vì thế mà hóa điên lúc tỉnh lúc điên, em được học trong lớp cũng là do bạn tôi tài trợ).

Tôi tự vấn mình sao vô tâm đến thế!

Giọt nước mắt đã khô trên đôi mắt của một em học sinh lớp hai nhưng vẫn còn ám ảnh tôi đến bây giờ và có lẽ là suốt cả cuộc đời dạy học giọt nước mắt ấy nhắc tôi nhớ về một câu nói của cô dạy bộ môn nghiệp vụ sư phạm của tôi ngày xưa: “nghề các em chọn là nghề dạy học và cũng là nghề phải học suốt cả cuộc đời các em ạ” Lúc đó tôi mới thấu hiểu được những điều cô gửi gắm trong câu nói ấy.

 Đúng vậy muốn làm tốt  nghề dạy học cốt lõi ngoài việc phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn qua sách báo, qua đồng nghiệp thì điều quan trọng hơn cả đó là không ngừng trao dồi về đạo đức, phải biết quan tâm tìm hiểu, để thấu cảm và chia sẻ với học sinh của mình hay ít nhất là để tránh chạm vào nỗi đau trong tâm khảm của mỗi cá nhân mà người ta hay nói mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Và cho đến bây giờ tôi vẫn thấy mình còn nợ em- một tâm hồn non nớt của đứa học trò bé bỏng của tôi, một lời xin lỗi … thế mới biết nghề dạy học khó đến nhường nào!./.